Ngành Xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng từ 9% trở lên trong 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Xây dựng tăng trưởng 9,62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021 - 2025, đóng góp 0,63 điểm % tăng trưởng.
6 tháng đầu năm 2025, ngành Xây dựng tăng trưởng 9,62%
Triển khai các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025; ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tính toán và xây dựng kịch bản tăng trưởng, chỉ tiêu chủ yếu của ngành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nêu trên.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% trở lên thì ngành Xây dựng cần tăng trưởng từ 9% trở lên.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các doanh nghiệp thuộc Bộ.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ngành Xây dựng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia của ngành, duy trì mức tăng trưởng quốc gia...
Trong công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã trình và được Quốc hội thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư, ban hành 6 văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước khi sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ thực hiện phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh 115 nhiệm vụ; cấp xã tiếp nhận từ cấp huyện 94 nhiệm vụ. Trong đó có các nhiệm vụ để địa phương chủ động trong quản lý trên địa bàn như cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông, cấp giấy phép vận tải đường bộ; thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng…
Công tác triển khai các dự án kết cấu hạ tầng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia vượt tiến độ đề ra 6 - 9 tháng, đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác đạt 2.268km.
Tiếp tục thu hút tư nhân và đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng cảng biển lớn, một số cảng hàng không, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và nhà ở công nhân tại các tỉnh thành lớn như: Bắc Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...
Trong 6 tháng đầu năm 2025, số vốn nước ngoài cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trên cả nước.
Công tác phát triển hạ tầng giao thông đô thị thường xuyên được Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo. Tính đến hết tháng 6/2025, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ước đạt 44,3%.
Công tác sản xuất vật liệu xây dựng bước đầu có sự hồi phục. Tổng sản lượng xi măng đạt gần 46 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024.
Trong công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH tại 27 địa phương. Tính đến ngày 30/6/2025, cả nước đã hoàn thành 35.631/100.000 căn NƠXH, khởi công 26 dự án với quy mô 23.561 căn.
Hoạt động vận tải tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá trên tất cả các phương thức, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong nước cũng như khách quốc tế, phục vụ sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa...
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) ghi nhận lãi công ty mẹ 192 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất hơn 34 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025.
Các doanh nghiệp xây dựng vượt khó
Trong bức tranh khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp ngành Xây dựng, 6 tháng đầu năm ghi nhận sự chuyển biến của một số doanh nghiệp đang thực hiện đề án tái cơ cấu. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Bộ đạt khoảng 29.515 tỷ đồng, bằng 47,05% kế hoạch năm 2025; doanh thu đạt 30.065 tỷ đồng, bằng 46,67% kế hoạch; lợi nhuận khoảng 2.358 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm là 537 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) bước đầu có lãi. Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Viglacera, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam (VMSC), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cơ bản có lãi và hoàn thành kế hoạch.
Tổng công ty VIGLACERA lãi 835 tỷ đồng/661 tỷ đồng kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2025.
Hoàn thành mục tiêu là nhiệm vụ khả thi
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của Bộ trong 6 tháng cuối năm 2025 vẫn sẽ bám sát yêu cầu của ngành đề ra, như giải ngân toàn bộ Kế hoạch đầu tư công năm 2025; hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản; duy trì tăng trưởng hoạt động vận tải khoảng 13%...
Với tính toán của Bộ Xây dựng, việc hoàn thành các mục tiêu trên là khả thi để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5%, nhất là trong bối cảnh Bộ Xây dựng đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường xây dựng, ứng dụng các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đã nghiêm túc triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện phương án xử lý, thoái vốn các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh...
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Trần Thị Minh Hiền đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động báo cáo vướng mắc và tăng cường phối hợp chặt chẽ với Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) để kịp thời giải quyết các khó khăn.
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Ngọc Anh đề nghị các doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó tập trung thực hiện phương án xử lý, sắp xếp, thoái vốn các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.
Các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lớn, then chốt, trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, trong đó hoàn thành đạt và phấn đấu vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục nghiêm túc, quán triệt và kịp thời thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, 6 tháng cuối năm 2025 cần hoàn thành đạt và phấn đấu vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và hoàn thành các dự án đầu tư; chủ động, quyết liệt thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở thế mạnh của riêng mình để cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ hơn.
baoxaydung.com.vn
Thêm bình luận mới